Vừa qua hội Thẩm định giá Việt Nam đã ban hành công văn số 207/2023 /CV- HTĐGVN trả lời về một số vấn đề liên quan đến việc cung cấp dịch vụ thẩm định giá của các đơn vị thẩm định giá và khách hàng. Trong đó có nội dung về việc phê duyệt kết quả thẩm định giá trước khi phát hành chứng thư.
Trả lời thắc mắc của một số hội viên thẩm định giá là các công ty thẩm định giá độc lập, Hội thẩm định giá Việt Nam cho biết, quy trình thẩm định giá ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 6/3/2015 của Bộ Tài chính quy định: Khi tiến hành thẩm định giá tài sản, các thẩm định viên phải thực hiện “Xác định tổng quát về tài sản thẩm định giá và xác định giá trị thị trường hoặc giá trị phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá” (điểm 2, Mục II, Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05)?
Theo đó, khi thẩm định viên lựa chọn giá trị thị trường làm cơ sở thẩm định giá thì phải tuân thủ Tiêu chuẩn Thẩm định giá số 02 và cách tiếp cận của nó là cách tiếp cận từ thị trường, đó là: “Cách thức xác định giá trị của tài sản thẩm định giá thông qua việc so sánh tài sản thẩm định giá với các tài sản giống hệt hoặc tương tự đã có các thông tin về giá trên thị trường” (điểm 4, Mục I, TCTĐGVN số 08).
Phương pháp so sánh thuộc cách tiếp cận từ thị trường và điều kiện để áp dụng phương pháp so sánh này là các tài sản “có giao dịch phổ biến trên thị trường” (điểm 2, Mục II, TCTĐGVN số 08) và thẩm định viên được sử dụng một phương pháp thẩm định giá trong trường hợp: Áp dụng phương pháp so sánh khi có nhiều số liệu giao dịch (tối thiểu 3 giao dịch) của các tài sản so sánh trên thị trường gần thời điểm thẩm định giá.
Khi khách hàng hay thẩm định viên muốn xác định giá trị của tài sản theo phướng pháp chi phí thì điều kiện áp dụng đã được quy định tại điểm 2, Mục II, TCTĐGVN số 09 là “Không đủ thông tin để áp dụng cách tiếp cận từ thị trường và cách tiếp cận từ thu nhập”.
Đối với thời điểm có hiệu lực của chứng thư, báo cáo thẩm định giá, tại điểm 7, Mục II – Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 có nêu: “Xác định thời điểm bắt đầu có hiệu lực của Chứng thư thẩm định giá: Thời điểm có hiệu lực của Chứng thư thẩm định giá là ngày, tháng, năm ban hành Chứng thư thẩm định giá”.
“Báo cáo kết quả thẩm định giá và Chứng thư thẩm định giá sau khi được doanh nghiệp thẩm định giá hoặc chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá ký phát hành theo đúng quy định của pháp luật được chuyển cho khách hàng và bên thứ ba sử dụng kết quả thẩm định giá (nếu có) theo hợp đồng thẩm định giá đã được ký kết”
Ngoài ra, về thời gian có hiệu lực của chứng thư thẩm định giá cũng được quy định tại Khoản 3, Điều 32, Luật giá Năm 2012. Cụ thể: “Kết quả thẩm định giá chỉ được sử dụng trong thời hạn có hiệu lực được ghi trong báo cáo kết quả thẩm định giá và Chứng thư thẩm định giá” .
Kết luận: Như vậy, việc khách hàng thẩm định giá phê duyệt kết quả thẩm định giá trước ngày Chứng thư thẩm định giá có hiệu lực thi hành để đưa vào sử dụng là không đủ căn cứ pháp lý. Khi khách hàng cố tình sử dụng số liệu giá trị tài sản trước khi ban hành Chứng thư thẩm định giá là sai quy định của pháp Luật; khách hàng cũng không có quyền phê duyệt giá trị của tài sản khi khi ban hành – bởi đây là hoạt động độc lập của đơn vị thẩm định giá.
Thông tin liên hệ:
Vui lòng chia sẻ với chúng tôi một số thông tin của bạn, chúng tôi sẽ liên hệ với bạn khi có yêu cầu