Khi kinh tế bị ảnh hưởng, các chủ đầu tư BĐS Việt Nam cần một lượng vốn lớn để duy trì và bù đắp rủi ro. Mặc dù lãi suất vay ngân hàng đã giảm nhưng khi tiếp cận nguồn vay này không phải là mọi doanh nghiệp BĐS Việt đều đáp ứng đủ các điều kiện vay tín dụng nên việc tiếp cận các dòng vốn này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, phương án tiếp cận nguồn vốn vay qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp với phí huy động vốn bình quân dao động 7,9 - 13%/năm cho nhóm ngành bất động sản, bình quân đạt 10,5%, kỳ hạn 3 - 5 năm thì nếu doanh nghiệp bất động sản có chi phí huy động ở mức 13% (chưa bao gồm chi phí thu xếp vốn) có thể thấy cao gấp đôi so với lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng thương mại hiện tại ở mức 5,3 - 6%, kỳ hạn một năm. Điều này có thể tạo thành áp lực doanh nghiệp phải khai thác hiệu quả dòng vốn vay phương án này.
Vì vậy theo JLL ( Tập đoàn Jones Lang LaSalle – Mỹ), hoạt động M&A vẫn là kênh huy động vốn truyền thống của các doanh nghiệp Bất động sản, mặc dù tốc độ và quy mô có giảm hơn so với các năm 2018, 2019. Bên cạnh đó, việc gần đây Nhà nước đẩy mạnh thanh tra, rà soát pháp lý nhiều dự án bất động sản đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về tính minh bạch, an toàn của kênh đầu tư này.
Cũng theo ghi nhận từ JLL, Việt Nam đang có nhiều lĩnh vực gọi vốn từ nhà đầu tư nước ngoài với quy mô lớn, sức hấp dẫn cao, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Mặc dù phần lớn các thương vụ vẫn đang trong giai đoạn đàm phán, thỏa thuận; song nó cũng đã tạo cho Việt Nam những uy tín nhất định và niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế.
Bất động sản khu công nghiệp vẫn là lĩnh vực có sức hút lớn nhất tại Việt Nam và không ngừng phát triển dần trở thành trung tâm của Đông Nam Á. Mới đây, tập đoàn Pegatron - một trong 5 đối tác sản xuất linh kiện của Apple, Microsoft, Sony dự định rót 1 tỷ USD vào 3 dự án tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng).
Mặc dù các quy định về cách ly và dừng các chuyến bay quốc tế trong 8 tháng đầu năm gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư ngoại, song việc mở lại đường bay quốc tế tới 6 nước Châu Á gần đây đã phần nào giúp đẩy mạnh tình hình đầu tư vào Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh - Giám đốc Cấp cao Thị trường vốn Việt Nam của JLL nhận định: “Bất động sản công nghiệp đang là phân khúc thu hút rất nhiều sự quan tâm nhưng việc thực hiện các thương vụ vẫn là thách thức đối với các nhà đầu tư. Tìm được quỹ đất lớn phù hợp để phát triển nhà kho và xưởng xây sẵn cho thuê tại vị trí chiến lược, cùng với việc tăng giá đất công nghiệp trong khi vẫn phải đảm bảo khoản đầu tư đạt lợi nhuận nhất định là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư, chưa kể đến sự cạnh tranh ngày một tăng từ các nhà đầu tư mới và hiện hữu”.
Giao dịch M&A vào phân khúc nhà ở có phần chậm lại trong năm nay, chủ yếu là do tác động của Covid-19. Một trong những thương vụ đáng chú ý được công bố đầu năm là liên doanh giữa Mitsubishi Corporation (40%), Nomura Real Estate Development (40%) và Vingroup (20%) để cùng phát triển phân khu 10.000 căn hộ tại Vinhomes Grand Park (quận 9, TP HCM). Ngoài ra, còn khoản đầu tư 650 triệu USD nhóm nhà đầu tư do KKR dẫn dắt vào Vinhomes, tương đương 6% cổ phần tại công ty. Với nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài được giải ngân mạnh trong thời gian gần đây đã thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cùng hoạt động bán hàng của siêu dự án này.
Nhìn chung M&A không phải là cách duy nhất để huy động vốn và phát triển doanh nghiệp, vì có nhiều lựa chọn thay thế khác để khai thác các nguồn vốn lớn hơn. Tuy nhiên, dù có sử dụng phương thức nào thì các doanh nghiệp vẫn cần đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch để có thể sẵn sàng tham gia vào thị trường huy động vốn đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều yêu cầu khắt khe này.
Thẩm định giá Hoàng Quân - Thước đo giá trị
Vui lòng chia sẻ với chúng tôi một số thông tin của bạn, chúng tôi sẽ liên hệ với bạn khi có yêu cầu