Để hạn chế tối đa các sai phạm trong hoạt động thẩm định giá, Bộ tài chính Bộ Tài chính mới đây đã đưa ra những văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước, đồng thời sẽ có nhiều giải pháp xử lý, cấp phép, quản lý chặt chẽ hơn đối với các hoạt động dịch vụ định giá.
Việc nhiều sai phạm trong hoạt động thẩm định giá tài sản trong mua sắm công, đấu thầu của lĩnh vực bất động sản, thiết bị vật tư y tế, giáo dục..được báo chí, cơ quan điều tra phản ánh trong thời gian qua đã ít nhiều làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thẩm định giá hiện nay. Theo phân tích của Bộ tài chính, nguyên nhân của các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực định giá tài sản thời gian qua được xác định là từ các yếu tố khách quan và chủ quan.
Cụ thể, về yếu tố khách quan: Bộ tài chính xác định, hệ thống văn bản phát luật, quy định Nhà nước còn có những điểm chồng chéo, chưa đồng bộ; cơ sở dữ liệu về giá, thông tin thị trường còn ít công khai – minh bạch; bản thân khách hàng cung cấp thông tin tài sản để thẩm định giá thiếu trung thực; quy trình thực hiện kiểm soát, đấu thầu còn nhiều bất cập dễ nảy sinh tiêu cực lợi ích nhóm.
Về yếu tố chủ quan, phần lớn do sai phạm trong đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá của các Công ty định giá hay các thẩm định viên, đặc biệt là việc móc ngoặc, thông đồng với khách hàng để làm sai lệch giá trị tài sản, kết quả thẩm định giá. Bên cạnh đó còn có một số đơn vị thẩm định giá cố ý làm sai quy trình định giá, không tuân thủ các quy định của pháp luật về thẩm định giá, tiêu chuẩn thẩm định giá.
Trước những sai phạm về hoạt động thẩm định giá trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Cụ thể gần đây nhất, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 12/2021/NĐ-CP (ngày 20/4/2021) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2013/NĐ-CP (ngày 06/8/2013) có quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá trong ngành nghề dịch vụ thẩm định giá.
Bên cạnh đó, các hoạt động hội thảo, đào tạo cập nhật kiến thức, quy định mới cho các thẩm định viên hàng năm cũng được Bộ Tài chính tổ chức đầy đủ; trong đó chú trọng củng cố đạo đức hành nghề thẩm định giá; đánh giá và nhận diện rủi ro, cập nhật những lỗi thường gặp trong quá trình thẩm định giá. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, từng bước hỗ trợ cho nghề thẩm định giá có nguồn thông tin tham khảo tin cậy, qua đó giúp nâng cao chất lượng thẩm định giá…
Về mặt quản lý, giám sát, Bộ Tài chính cũng đã xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong hoạt động định giá và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính; đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá đối với những doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Năm 2020, Bộ Tài chính đã đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá đối với 25 doanh nghiệp, năm 2021 là 26 doanh nghiệp. Năm 2022, riêng trong quý I Bộ Tài chính cũng đã đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá của 8 doanh nghiệp thẩm định giá, cấp lần đầu Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đối với 8 doanh nghiệp; cấp lại 41 lần, ban hành 8 Thông báo về việc công bố Danh sách thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá tài sản năm 2022 tại các doanh nghiệp thẩm định giá được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Về dài hạn, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện những giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ hơn việc kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật giá để tiếp tục củng cố, kiện toàn các quy định về quản lý doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng thông đồng trong thẩm định giá; Rà soát, bổ sung Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, các tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế và khu vực.
Nguồn: Bộ Tài Chính
Thông tin liên hệ:
Vui lòng chia sẻ với chúng tôi một số thông tin của bạn, chúng tôi sẽ liên hệ với bạn khi có yêu cầu